Đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền là khâu quan trọng đối với doanh nghiệp trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Chi tiết về hồ sơ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu, cách tra cứu nhãn hiệu và chi phí đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sẽ được Quốc Việt giải đáp trong bài viết này.
Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009.
- Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Thông tư số 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
Nhãn hiệu là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức khác nhau. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không chỉ giúp cá nhân, doanh nghiệp khẳng định được quyền sở hữu hợp pháp đối với thương hiệu, nhãn hiệu đã gầy công gây dựng mà còn giúp bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu của bạn trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, đăng ký nhãn hiệu là việc làm thực sự quan trọng và cần thiết.
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu
Căn cứ theo quyết định số 3675/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu bao gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (2 bản).
- Mẫu nhãn hiệu cần bảo hộ (5 mẫu, kích thước lớn hơn 2x2cm và không to quá 8x8cm).
- Danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Chứng từ nộp phí, lệ phí ((trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
- Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện).
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận phải có:
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận.
- Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).
- Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm hoặc nhãn hiệu hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).
- Văn bản cho phép sử dụng tên địa danh của cơ quan có thẩm quyền (nếu nhãn hiệu có chứa yếu tố địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).
Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Quy trình đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu độc quyền
1. Tra cứu nhãn hiệu, thương hiệu
Mục đích của việc tra cứu nhãn hiệu là để kiểm tra nhãn hiệu chuẩn bị đăng ký có bị trùng hoặc tương tự với những nhãn hiệu đã đăng ký trước đó hay không, đồng thời đánh giá khả năng nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ.
Cá nhân, doanh nghiệp có thể thực hiện tra cứu nhãn hiệu theo 2 cách sau:
- Cách 1: Tra cứu trực tuyến trên cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ.
- Cách 2: Tra cứu nhãn hiệu chuyên sâu với chuyên viên của Cục Sở hữu trí tuệ, xác suất tra cứu theo cách này rất cao và có thể đánh giá được 80% - 90 % đăng ký nhãn hiệu thành công.
2. Phân nhóm sản phẩm, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu
Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chủ đơn cần tiến hành phân loại sản phẩm, dịch vụ theo bảng phân loại hàng hóa dịch vụ Ni xơ theo quy định.
Bảng phân loại quốc tế về hàng hoá dịch vụ theo thoả ước Ni xơ được chia thành 45 nhóm trong đó:
- Nhóm 1 đến nhóm 34 là các nhóm về hàng hóa.
- Nhóm 35 đến nhóm 45 là các nhóm về dịch vụ.
Một nhãn hiệu có thể đăng ký cho nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Chi phí đăng ký nhãn hiệu được tính theo nhóm hàng hóa dịch vụ, do đó, càng nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ thì chi phí đăng ký nhãn hiệu càng cao.
Ví dụ: Quần áo thuộc nhóm 25, vận tải thuộc nhóm 39.
➤➤ Tham khảo bài viết: Phân nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu
3. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu độc quyền
Trình tự các bước đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu độc quyền như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký nhãn hiệu
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn và đưa ra quyết định:
- Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.
- Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót.
Bước 3: Công bố đơn
- Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
- Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ
- Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
- Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Bước 6: Cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
- Sau khoảng 2 - 3 tháng kể từ khi có Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và chủ đơn đã đóng đủ lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Thời hạn giải quyết hồ sơ:
- Thẩm định hình thức: 01 tháng từ ngày nộp đơn.
- Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.
- Thẩm định nội dung đơn: không quá 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Theo quy định, thời gian từ lúc nộp hồ sơ tới khi được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là 12 tháng, nhưng thực tế có thể mất từ 12 - 18 tháng hoặc lâu hơn, do lượng đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu rất lớn. Vì thế, để rút ngắn thời gian và nâng cao xác suất đăng ký thành công, khách hàng có thể tham khảo dịch vụ đăng ký nhãn hiệu của Quốc Việt.
Chi phí đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền
Mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC như sau:
➤ Chi phí chủ đơn phải nộp khi nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu (nộp tại Bước 1 ở trên) bao gồm:
- Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng.
- Lệ phí công bố đơn: 120.000 đồng.
- Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định: 180.000 đồng (cho mỗi nhóm có 6 sản phẩm/dịch vụ, từ sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000 đồng/1 sản phẩm/dịch vụ).
- Phí thẩm định nội dung: 550.000 đồng (cho mỗi nhóm có 6 sản phẩm/dịch vụ, từ sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi trong mỗi nhóm: 120.000 đồng/1 sản phẩm/dịch vụ).
➤ Sau khi có quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (nộp tại Bước 5 ở trên) chủ đơn phải nộp thêm các khoản phí sau:
- Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: 120.000 đồng (cho 1 nhóm sản phẩm/dịch vụ đầu tiên, từ nhóm sản phẩm/dịch vụ thứ 2 trở đi: 100.000 đồng/1 nhóm).
- Phí đăng bạ Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
- Phí công bố Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
➤ Lưu ý: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Cục Sở hữu trí tuệ có chính sách hỗ trợ lệ phí đăng ký nhãn hiệu cho chủ đơn như sau:
- Lệ phí nộp đơn giảm còn: 75.000 đồng.
- Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: giảm còn 60.000 đồng (cho 1 nhóm sản phẩm/dịch vụ đầu tiên, từ nhóm sản phẩm/dịch vụ thứ 2 trở đi: 50.000 đồng/1 nhóm).
Một số lưu ý khi đăng ký bảo hộ thương hiệu nhãn hiệu
Khi đăng ký nhãn hiệu, cá nhân, doanh nghiệp cần lưu ý những điều sau:
- Mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu.
- Thời gian được bảo hộ nhãn hiệu là 10 năm tính từ ngày nộp đơn, hết 10 năm chủ nhãn hiệu phải làm thủ tục gia hạn nhãn hiệu để được tiếp tục sử dụng.
- Nếu tên nhãn hiệu giống với tên thương mại của doanh nghiệp thì doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ cả nhãn hiệu và tên thương mại của doanh nghiệp. Ví dụ: Nhãn hiệu muốn đăng ký là Kế toán Quốc Việt, tên công ty là Công ty kế toán Quốc Việt.
- Hiện nay, nhãn hiệu bị đạo nhái hoặc tương đồng nhau về hình thức rất nhiều, vì thế để đảm bảo xác suất được bảo hộ thành công, thiết kế của nhãn hiệu cần đảm bảo được sự riêng biệt và độc đáo so với các nhãn hiệu khác.
- Chủ đơn nên để địa chỉ đăng ký nhãn hiệu là địa chỉ nhà riêng và có thể nhận được thông báo hay hồ sơ do Cục Sở hữu Trí tuệ gửi về qua đường bưu điện.
Trên đây là những thông tin chi tiết về hồ sơ, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nếu bạn cần tư vấn thêm thông tin pháp lý hay dịch vụ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu của Quốc Việt, vui lòng gọi cho chúng tôi theo số 00972.006.222 (Miền Bắc) - 090.758.1234 (Miền Trung) - 0902.553.555 (Miền Nam) để được hỗ trợ giải đáp.
Một số câu hỏi thường gặp khi đăng ký nhãn hiệu
Chi phí đăng ký nhãn hiệu bạn phải đóng tại thời điểm nộp hồ sơ là 925.000 đồng cho 1 nhóm tối đa 6 sản phẩm/dịch vụ, từ nhóm thứ 2 trở đi phải nộp thêm 730.000 đồng/1 nhóm. Ngoài ra, sau khi có quyết định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, bạn phải nộp thêm lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, phí đăng bạ và phí công bố Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
➤➤ Tham khảo chi tiết: Chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Thành phần hồ sơ gồm có: Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, mẫu nhãn hiệu cần bảo hộ, danh mục hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu, chứng từ nộp lệ phí đăng ký nhãn hiệu và các giấy tờ khác liên quan.
➤➤ Tham khảo chi tiết: Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết để kiểm tra xem nhãn hiệu bạn dự định đăng ký có bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với những nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ trước đó hay không và gia tăng xác suất được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Thời gian được bảo hộ nhãn hiệu là 10 năm tính từ ngày nộp đơn, hết 10 năm chủ nhãn hiệu phải làm thủ tục gia hạn nhãn hiệu để được tiếp tục sử dụng.
Mục đích của việc phân nhóm sản phẩm dịch vụ đăng ký nhãn hiệu là để xác định phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu. Việc phân loại nhóm hàng hóa, dịch vụ này sẽ dựa trên bảng phân loại hàng hóa dịch vụ Ni xơ.
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT