Hồ sơ, thủ tục thay đổi địa chỉ công ty khác quận, khác tỉnh ra sao? Sau khi thay đổi địa chỉ công ty cần xử lý hóa đơn điện tử, con dấu và BHXH... như thế nào? Tất cả sẽ được Quốc Việt hướng dẫn chi tiết và đầy đủ trong bài viết này.
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 04/01/2021.
- Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/05/2021.
- Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/07/2015.
- Nghị định số 50/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/07/2016.
- Thông tư số 105/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 17/01/2021.
- Thông tư 39/2014/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/06/2014.
Thủ tục thay đổi địa chỉ công ty khác quận, khác tỉnh
Căn cứ Khoản 1 Điều 47 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở chính sang quận, huyện, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác sẽ làm thay đổi cơ quan thuế quản lý. Do đó, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục với Cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở với cơ quan Đăng ký kinh doanh.
Quy trình thay đổi địa chỉ công ty khác quận/khác tỉnh như sau:
Bước 1: Thực hiện thủ tục chốt thuế tại cơ quan thuế nơi chuyển đi
➤ Doanh nghiệp cần liên hệ với cán bộ quản lý thuế trực tiếp để kiểm tra và hoàn thành nghĩa vụ thuế tại quận cũ theo quy định tại Điều 36 Luật quản lý thuế. Cụ thể như sau:
- Nộp bổ sung đầy đủ hồ sơ khai thuế còn thiếu theo quy định.
- Nộp đầy đủ số tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định.
- Đề nghị hoàn trả số tiền thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước nộp thừa.
➤ Đồng thời, doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chuyển địa chỉ trụ sở để nộp lên cơ quan quản lý thuế nơi chuyển đi (theo Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 105/2020/TT-BTC) như sau:
- Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế (mẫu 08-MST ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC).
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (tùy quận/huyện).
- Nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của quý hiện tại thông qua chữ ký số.
- Nếu không muốn sử dụng hóa đơn cũ, doanh nghiệp nộp thông báo hủy hóa đơn thông qua chữ ký số.
- Nếu muốn mang hóa đơn cũ qua quận mới, tỉnh mới sử dụng tiếp, doanh nghiệp nộp mẫu BK01/AC - Bảng kê hóa đơn chuyển đi hoặc mẫu số BK02/AC - Bảng kê quyết toán hóa đơn (tùy quận).
- Nếu doanh nghiệp có mua quyển chứng từ khấu trừ thuế TNCN tại quận cũ và chưa sử dụng trước khi chuyển quận thì phải nộp công văn hủy chứng từ khấu trừ thuế TNCN.
Hồ sơ chốt thuế, hóa đơn tại quận cũ
Thời gian thực hiện thủ tục: trong vòng 10 - 15 ngày làm việc, cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc người nộp thuế chuyển địa điểm mẫu số 09-MST ban hành kèm theo Thông tư này.
Bước 2: Thay đổi giấy phép kinh doanh tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KH&ĐT
Chuẩn bị hồ sơ thay đổi địa chỉ công ty: Theo Khoản 2 Điều 47 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ thay đổi địa chỉ công ty khác quận, khác tỉnh gồm có:
- Thông báo thay đổi trụ sở công ty (theo mẫu tại Phụ lục II-1 Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT) do người đại diện theo pháp luật ký.
- Đối với công ty cổ phần: Quyết định và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi địa chỉ công ty.
- Đối với công ty TNHH 1 thành viên: Quyết định của chủ sở hữu về việc thay đổi địa chỉ công ty.
- Đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc thay đổi địa chỉ công ty.
- Thông báo cập nhật số điện thoại (bắt buộc nếu công ty chưa đăng ký số điện thoại khi thành lập).
- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Sở KH&ĐT (nếu có).
- Bản sao CMND/CCCD/hộ chiếu của người được ủy quyền.
Hồ sơ thay đổi địa chỉ trụ sở công ty
Nơi nộp hồ sơ: Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ theo 2 cách sau:
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp chuyển đến.
- Nộp hồ sơ qua mạng trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số công cộng.
Thời gian hoàn thành thủ tục: 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh mới cho doanh nghiệp.
Bước 3: Thủ tục đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi chuyển đến.
Theo mục b.2 Điểm b Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 105/2020/TT-BTC, trong vòng 10 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế cũ ban hành mẫu số 09-MST, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi chuyển đến. Thành phần hồ sơ gồm có:
- Thông báo về việc người nộp thuế chuyển địa điểm mẫu số 09-MST (nhận được ở Bước 1).
- Bản sao giấy phép kinh doanh mới (không cần công chứng).
Đối với hóa đơn điện tử của doanh nghiệp:
- Trường hợp doanh nghiệp muốn tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử thì nộp kèm mẫu TB4/AC - Thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn và mẫu BK01/AC - Bảng kê hóa đơn chuyển đi Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC trong vòng 10 ngày kể từ ngày có GPKD mới và trước khi xuất hóa đơn tại quận mới.
- Trường hợp công ty đã hủy hóa đơn tại cơ quan thuế cũ (nơi chuyển đi) thì có thể thực hiện thông báo phát hành hóa đơn mới để sử dụng.
Lưu ý: Doanh nghiệp không được xuất hóa đơn trong thời gian làm thủ tục thay đổi địa chỉ công ty.
Hồ sơ đăng ký thuế, hóa đơn tại quận mới
Những việc cần làm sau khi thay đổi địa chỉ công ty
1. Khắc lại con dấu công ty
- Nếu trên con dấu pháp nhân của doanh nghiệp có chứa thông tin của quận cũ, tỉnh cũ thì doanh nghiệp cần cần khắc lại con dấu.
2. Treo biển hiệu tại trụ sở mới
- Doanh nghiệp cần làm lại biển công ty theo địa chỉ mới và treo tại trụ chính, chi nhánh văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp không treo biển hiệu tại trụ sở chính sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (Theo Khoản 2 Điều 34 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).
3. Thực hiện thủ tục chuyển BHXH sang quận khác, tỉnh khác
- Trước khi chuyển địa chỉ trụ sở công ty sang quận/tỉnh mới, doanh nghiệp cần làm thủ tục báo giảm BHXH, BHYT, BHTN và chốt sổ BHXH đối với cơ quan BHXH nơi chuyển đi sau đó làm thủ tục báo tăng BHXH, BHYT, BHTN đối với cơ quan BHXH nơi chuyển đến.
4. Thông báo về việc thay đổi địa chỉ công ty với ngân hàng, khách hàng, đối tác.
- Doanh nghiệp cần thông báo với ngân hàng để cập nhật lại địa chỉ chủ sở hữu tài khoản công ty và thông báo với khách hàng, đối tác để họ cập nhật lại địa chỉ mới, tránh trường hợp gửi giấy tờ về địa chỉ cũ hoặc xuất hóa đơn cho doanh nghiệp theo địa chỉ cũ.
Một số lưu ý về địa chỉ trụ sở công ty
Căn cứ Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 6 Luật Nhà ở 2014, trụ sở mới của doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Trụ sở chính là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và phải nằm trên lãnh thổ Việt Nam.
- Địa chỉ được xác định gồm: Số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Không được đăng ký trụ sở công ty tại chung cư, nhà tập thể có mục đích sử dụng là nhà ở (ngoại trừ những căn hộ/phần không gian có chức năng kinh doanh thương mại, dịch vụ).
- Địa điểm đăng ký làm trụ sở phải có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp (nếu là nhà riêng phải có sổ đỏ, nếu là địa điểm thuê phải có hợp đồng thuê).
- Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nhân nhắc đến các điều kiện khác như tình trạng giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng, ánh sáng, dịch vụ tiện ích, giá thuê, an ninh...
Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đầu tư
Căn cứ Khoản 2, Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản về việc thay đổi địa điểm công ty với Cơ quan Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày. Quá thời hạn nêu trên, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 25 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Mức xử phạt hành vi chậm thông báo thay đổi địa chỉ với Sở KH&ĐT
|
Quá thời hạn từ 01 đến 30 ngày
|
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
|
Quá thời hạn từ 31 đến 90 ngày
|
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
|
Quá thời hạn từ 91 ngày trở lên
|
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng
|
Trên đây, Quốc Việt đã hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, thủ tục thay đổi địa chỉ công ty khác quận, khác tỉnh và những việc cần làm sau khi đổi địa chỉ công ty. Nếu doanh nghiệp cần tư vấn thêm thông tin hoặc không có kinh nghiệm làm thủ tục có thể tham khảo dịch vụ thay đổi địa chỉ công ty của Quốc Việt:
- Thay đổi địa chỉ công ty khác quận trọn gói 1.450.000đ
- Thay đổi địa chỉ công ty khác tỉnh trọn gói 2.000.000đ
Liên hệ Quốc Việt theo số 0972.006.222 (Miền Bắc) - 090.758.1234 (Miền Trung) - 0902.553.555 (Miền Nam) để được hỗ trợ!
Một số câu hỏi thường gặp khi thay đổi địa chỉ công ty khác quận
Việc thay đổi địa chỉ công ty sang quận khác hoặc tỉnh khác sẽ làm thay đổi cơ quan quản lý thuế.
CÓ. Nếu trên con dấu pháp nhân của doanh nghiệp có chứa thông tin của quận cũ, tỉnh cũ thì doanh nghiệp cần cần khắc lại con dấu.
Quy trình thay đổi địa chỉ công ty khác quận như sau:
- Bước 1: Thực hiện thủ tục chốt thuế tại cơ quan thuế nơi chuyển đi.
- Bước 2: Thay đổi giấy phép kinh doanh tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KH&ĐT
- Bước 3: Thủ tục đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi chuyển đến.
Nếu muốn mang hóa đơn cũ qua quận mới, tỉnh mới sử dụng tiếp, doanh nghiệp có thể làm thông báo điều chỉnh hóa đơn hoặc nếu không muốn sử dụng hóa đơn cũ có thể làm thông báo hủy hóa đơn tại quận cũ và phát hành hóa đơn tại quận/tỉnh mới.
Thành phần hồ sơ gồm có: Thông báo thay đổi trụ sở công ty, Quyết định của chủ sở hữu đối với công ty TNHH 1 thành viên, doanh nghiệp tư nhân; quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.
➤➤ Tham khảo chi tiết: Hồ sơ thay đổi địa chỉ công ty khác quận
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT