Thuế VAT là gì? Đối tượng chịu thuế, không chịu thuế GTGT

Thuế VAT là gì? Đối tượng chịu thuế, không chịu thuế GTGT được quy định như thế nào? Đặc điểm và ý nghĩa của thuế giá trị gia tăng đối với nền kinh tế là gì? Tất cả sẽ được Quốc Việt giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.

Thuế giá trị gia tăng (VAT) là gì?

Thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) trong tiếng Anh là Value Added Tax (VAT), là khoản thuế tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến khi tới tay người tiêu dùng và được nộp vào ngân sách Nhà nước dựa theo mức độ tiêu thụ của hàng hóa, dịch vụ.

Mức thuế VAT được tính dựa trên phần chênh lệch giữa giá bán sản phẩm và giá thành sản xuất (hoặc giá mua vào), tức là phần giá trị mà doanh nghiệp đã "gia tăng" cho sản phẩm, dịch vụ đó. 

Như vậy, người tiêu dùng cuối cùng là người phải nộp thuế GTGT, còn các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đóng vai trò thu và nộp thuế GTGT tới cơ quan thuế thay cho người tiêu dùng.

Mức thuế suất thuế GTGT hiện nay bao gồm 3 mức là: 0%, 5% và 10%. 

Đối tượng chịu thuế GTGT 

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng, đối tượng chịu thuế GTGT là toàn bộ hàng hóa, dịch vụ dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài) trừ các đối tượng không phải chịu thuế GTGT được nêu ở dưới đây.

26 đối tượng không chịu thuế GTGT

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC, có 26 đối tượng không phải chịu thuế GTGT là các loại hàng hóa, dịch vụ sau đây:

1. Các sản phẩm về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, hải sản được nuôi trồng, đánh bắt chưa được chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của các cá nhân, tổ chức tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.

2. Các sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng (gồm con giống, trứng giống; cây giống, hạt giống, củ giống, cành giống; tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền) ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại.

3. Các dịch vụ phục vụ nông nghiệp như: Tưới tiêu nước, cày, bừa, nạo vét kênh, mương nội đồng nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp và dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

4. Các sản phẩm muối được sản xuất từ muối mỏ tự nhiên, nước biển, muối tinh, muối i-ốt.

5. Nhà ở do Nhà nước nắm quyền sở hữu hoặc được nhà nước bán cho người đang thuê.

6. Chuyển quyền sử dụng đất.

7. Sản phẩm bảo hiểm như: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, các loại bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm cây trồng, vật nuôi; bảo hiểm tàu thuyền, trang thiết bị phục vụ trực tiếp hoạt động đánh bắt thuỷ sản, tái bảo hiểm.

8. Dịch vụ ngân hàng, tài chính, kinh doanh chứng khoán.

9. Dịch vụ y tế cho người, dịch vụ thú y (gồm dịch vụ phòng bệnh, khám chữa bệnh, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người bệnh, dịch vụ chăm sóc người khuyết tật, người cao tuổi; vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh).

10. Dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích, dịch vụ internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ bưu chính, viễn thông từ nước ngoài vào Việt Nam.

11. Dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng, vườn thú; dịch vụ tang lễ.

12. Dịch vụ xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình công cộng, công trình văn hóa, nghệ thuật, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp, vốn viện trợ nhân đạo.

13. Dạy học, dạy nghề (bao gồm dạy ngoại ngữ, tin học, dạy múa, hát, hội họa, thể dục, thể thao, nhạc, kịch, xiếc; nuôi dạy trẻ, dạy nghề).

14. Phát sóng truyền hình, truyền thanh bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

15. Xuất bản, nhập khẩu, phát hành sách, báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, bao gồm cả dưới dạng băng hoặc đĩa, dữ liệu điện tử; tiền, in tiền.

16. Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện, tàu điện theo các tuyến trong đô thị, trong nội tỉnh và các tuyến lân cận ngoại tỉnh.

17. Hàng hóa thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu, gồm:

  • Các loại máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư nhập khẩu để dùng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ;
  • Máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dụng, vật tư cần nhập khẩu để phục vụ hoạt động thăm dò, phát triển khí đốt, mỏ dầu;
  • Tàu bay (bao gồm cả động cơ tàu bay), tàu thủy, dàn khoan được nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thuê của nước ngoài để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê hoặc cho thuê lại.

18. Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ trong quốc phòng, an ninh.

19. Hàng nhập khẩu, hàng hóa, dịch vụ bán cho các cá nhân, tổ chức để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

20. Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu/xuất khẩu, tái xuất khẩu/nhập khẩu; các loại vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng ký kết với bên nước ngoài.

21. Chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật.

22. Vàng nhập khẩu dạng thỏi, dạng miếng và vàng các loại chưa được chế tác thành đồ trang sức, sản phẩm mỹ nghệ hay sản phẩm khác.

23. Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản được khai thác nhưng chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã được chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên.

24. Các sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể người bệnh (gồm cả sản phẩm là bộ phận cấy ghép lâu dài trong cơ thể người); xe lăn, nạng và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật.

25. Hàng hóa, dịch vụ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100.000.000 đồng trở xuống.

26. Hàng miễn thuế ở các cửa hàng miễn thuế; hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra; các hoạt động thu phí, lệ phí của Nhà nước; hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ do đơn vị quốc phòng thực hiện đối với các công trình được đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

Đặc điểm của thuế giá trị gia tăng

1. Là thuế gián thu

Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng không trực tiếp nộp thuế mà thuế sẽ được thu và nộp về ngân sách Nhà nước thông qua người bán.

2. Có đối tượng chịu thuế lớn

Mọi đối tượng trong xã hội, kể cả cá nhân và tổ chức đều phải chịu thuế GTGT. Việc đánh thuế trên phạm vi lãnh thổ với mọi đối tượng chứng tỏ sự công bằng của thuế. Đồng thời thể hiện thái độ của Nhà nước với các loại hàng hóa được tiêu dùng trong xã hội. 

Đối với trường hợp cần khuyến khích tiêu dùng hoặc giảm thiểu việc trả tiền thuế của người mua, nhà nước sẽ không đánh thuế hoặc đánh thuế với mức thuế suất thấp nhất.

3. Thuế GTGT chỉ tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa dịch vụ

Thuế GTGT không tính trên toàn bộ giá trị hàng hóa dịch vụ mà chỉ trên phần giá trị tăng thêm. Điều này giúp cho những đột biến về giá cả không xảy ra. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa thuế GTGT và các loại thuế gián thu khác.

4. Thuế GTGT được đánh theo nguyên tắc điểm đến

Thuế GTGT được áp dụng theo nguyên tắc điểm đến, tức là thuế GTGT đánh vào tất cả hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nội địa, không phân biệt hàng hóa đó được tạo ra ở trong nước hay được nhập khẩu từ nước ngoài.

5. Là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp

Thuế GTGT đánh vào tất cả các khâu luân chuyển của hàng hóa, dịch vụ từ lưu thông đến tiêu dùng nhưng ở mỗi giai đoạn, thuế GTGT chỉ được tính trên phần giá trị gia tăng của giai đoạn đó, không tính trùng phần thuế GTGT đã được tính ở giai đoạn trước đó.

Trên cùng một hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, tổng số thuế GTGT thu được qua tất cả các giai đoạn luân chuyển bằng với số thuế GTGT tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Do đó, thuế GTGT là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp. 

Ý nghĩa của thuế giá trị gia tăng

Đối với nền kinh tế, thuế GTGT có ý nghĩa vô cùng cung quan trọng, cụ thể:

  • Điều tiết thu nhập của cá nhân, tổ chức tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT;
  • Thuế GTGT tạo ra nguồn thu lớn và khá ổn định cho ngân sách Nhà nước;
  • Khuyến khích xuất khẩu hàng hóa dịch vụ, đẩy mạnh thực hiện chế độ hạch toán, sử dụng hóa đơn, chứng từ và thanh toán qua ngân hàng;
  • Khuyến khích hiện đại hóa, chuyên môn hóa, hợp tác hoá sản xuất, tăng cường đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mua sắm trang thiết bị mới để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trên đây là những thông tin chi tiết về khái niệm, quy định về thuế GTGT, các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT. Nếu doanh nghiệp cần tư vấn thêm thông tin có thể liên hệ Quốc Việt theo số 0977.119.222 (Miền Bắc) - 090.758.1234 (Miền Trung) - 090.119.4567 (Miền Nam) để được tư vấn, giải đáp cụ thể.

Câu hỏi liên quan đến thuế giá trị gia tăng (VAT)

Thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) là khoản thuế tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến khi tới tay người tiêu dùng.

Thuế GTGT là thuế gián thu vì thuế GTGT thường được cộng trực tiếp vào giá bán và người tiêu dùng cuối cùng là người chi trả phần thuế này khi mua hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, người tiêu dùng không trực tiếp nộp thuế mà tiền thuế này sẽ được thu và nộp về ngân sách Nhà nước thông qua người bán.

Thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) có 5 đặc điểm cơ bản sau:

  • Là thuế gián thu;
  • Có đối tượng chịu thuế lớn;
  • Thuế GTGT chỉ tính trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa dịch vụ;
  • Thuế GTGT được đánh theo nguyên tắc điểm đến;
  • Là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp.

➤➤Tham khảo chi tiết: Đặc điểm của thuế giá trị gia tăng

Đối tượng chịu thuế GTGT là toàn bộ hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (có tính cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài).

Theo Thông tư 219/2013/TT-BTC, hiện tại có 3 mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%, 5% và 10%.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

DỊCH VỤ LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn