Thủ tục đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh & Lưu ý cần biết

Chi tiết hồ sơ, thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh, điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh và những lưu ý doanh nghiệp cần biết sẽ được Quốc Việt giải đáp trong bài viết này (Có đầy đủ file mẫu hồ sơ).

Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
  • Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 04/01/2021.
  • Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/05/2021.

Địa điểm kinh doanh là gì?

Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể (theo Khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020). Hay nói cách khác, địa điểm kinh doanh chính là nơi diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa khách hàng và doanh nghiệp.

Đặc điểm của địa điểm kinh doanh:

  • Được cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh.
  • Không được sử dụng con dấu riêng.
  • Địa điểm kinh doanh không được ký kết hợp đồng với khách hàng, đối tác.
  • Không được xuất hóa đơn, địa điểm kinh doanh phải sử dụng chung hóa đơn với trụ sở chính hoặc chi nhánh chủ quản.
  • Phải thực hiện kê khai và nộp lệ phí môn bài 1.000.000đ/năm.
  • Mọi hoạt động kinh doanh đều phụ thuộc vào công ty mẹ/chi nhánh (hạch toán phụ thuộc).

Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp thông báo lập địa điểm kinh doanh tới Phòng Đăng ký kinh doanh của tỉnh/thành phố nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Thành phần hồ sơ gồm có:

  • Thông báo lập địa điểm kinh doanh (theo mẫu tại Phụ lục II-7 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT).
  • Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Sở KHĐT.
  • CMND/CCCD/Hộ chiếu của người nộp hồ sơ.

 Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh

Nội dung Thông báo lập địa điểm kinh doanh gồm có:

  • Thông tin của doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp, mã số thuế.
  • Tên địa điểm kinh doanh.
  • Địa chỉ của địa điểm kinh doanh.
  • Ngành, nghề của địa điểm kinh doanh.
  • Người đứng đầu địa điểm kinh doanh.
  • Chi nhánh chủ quản (trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh).
  • Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc họ, tên, chữ ký của người đứng đầu chi nhánh đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh.

Thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như ở trên, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ theo 2 cách sau:

  • Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tới Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KHĐT tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt địa điểm kinh doanh (không phải nơi đặt trụ sở chính).
  • Cách 2: Nộp hồ sơ online trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số công cộng.

Sau 5-7 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và trả kết quả:

  • Nếu hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp.
  • Nếu hồ sơ không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo hướng dẫn doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ và nộp lại.

Lưu ý: 

  • Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương không nhận hồ sơ giấy, chỉ nhận hồ sơ nộp online.
  • Doanh nghiệp phải đăng bố cáo trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong vòng 30 ngày kể từ ngày có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh.

Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh

Cách đặt tên địa điểm kinh doanh

Quy định về tên địa điểm kinh doanh được quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
  • Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp/chi nhánh kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh”.
  • Phần tên riêng trong tên địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp".
  • Ngoài tên bằng tiếng Việt, doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt cho địa điểm kinh doanh.

➥ Ví dụ về tên địa điểm kinh doanh hợp lệ:

  • Địa điểm kinh doanh số 1 - Công ty TNHH Hoa Anh Đào.
  • Địa điểm kinh doanh Xuân Lan - Chi nhánh Công ty TNHH Bách Thảo Điền.

Địa chỉ đăng ký kinh doanh

Để được cấp Giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh thì doanh nghiệp cần lưu ý 2 điều sau:

  • Địa chỉ đặt địa điểm kinh doanh có thể khác với địa chỉ của trụ sở chính hoặc chi nhánh. Doanh nghiệp có thể đăng ký thành lập một hoặc nhiều địa điểm kinh doanh trong cùng tỉnh hoặc khác tỉnh với trụ sở chính hoặc chi nhánh chủ quản.
  • Địa chỉ đặt điểm kinh doanh không được là địa chỉ nhà chung cư hoặc căn hộ tập thể.

Ngoài ra, xét về góc độ kinh tế, thì doanh nghiệp cũng nên cân nhắc những yếu tố sau khi lựa chọn một nơi làm địa điểm kinh doanh, cụ thể:

  • Vị trí thuận lợi, dễ thấy, dễ tiếp cận khách hàng mục tiêu như mặt đường lớn, gần các khu trung tâm thương mại, mua sắm, khu dân cư, mặt tiền rộng rãi, có chỗ để xe…
  • Giao thông thuận tiện, đường 2 chiều dễ quay đầu, ít bị kẹt xe, ngập lụt…
  • Gần các nhà cung cấp: Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bán thực phẩm, đồ dùng thiết yếu thì đặc biệt cần chú ý.
  • An ninh khu vực đảm bảo an toàn.

Ngành nghề của địa điểm kinh doanh

Do địa điểm kinh doanh là đơn vị phụ thuộc hoàn toàn của công ty mẹ hoặc chi nhánh chủ quản nên ngành nghề của địa điểm kinh doanh phải được đăng ký hoạt động theo ngành nghề của công ty mẹ. Tức là địa điểm kinh doanh được phép kinh doanh những ngành nghề công ty mẹ đã đăng ký nhưng không phải tất cả mà chỉ là một nhóm ngành nghề cụ thể mà doanh nghiệp lựa chọn từ ngành nghề kinh doanh của công ty mẹ.

5 lợi ích khi thành lập địa điểm kinh doanh tại Quốc Việt

  • Đội ngũ pháp lý chuyên nghiệp - tận tâm.
  • Hoàn thành thủ tục nhanh chóng - trọn gói - uy tín.
  • Doanh nghiệp không cần thực hiện bất kỳ thủ tục hành chính nào khác.
  • Không tốn thời gian đi lại nhiều lần.
  • Dịch vụ giao nhận miễn phí tận nơi.

Quốc Việt cam kết hoàn thành dịch vụ thành lập địa điểm kinh doanh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, với chi phí trọn gói chỉ 1.000.000đ, cam kết không phát sinh. Liên hệ ngay hotline 0972.006.222 (Miền Bắc) - 090.758.1234 (Miền Trung)0902.553.555 (Miền Nam) để được tư vấn chi tiết.

Top 5 câu hỏi thường gặp về địa điểm kinh doanh

CÓ. Doanh nghiệp có thể thành lập địa điểm kinh doanh cùng tỉnh hoặc khác tỉnh với trụ sở chính.

Thành phần hồ sơ gồm có: Thông báo lập địa điểm kinh doanh, giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ và bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu của người nộp hồ sơ.

Tên của địa điểm kinh doanh hợp lệ phải bao gồm các yếu tố sau:

  • Cụ từ “ Địa điểm kinh doanh”.
  • Tên riêng của địa điểm kinh doanh.
  • Tên của doanh nghiệp/chi nhánh chủ quản.

Ví dụ: Địa điểm kinh doanh Xuân Lan - Chi nhánh Công ty TNHH Bách Thảo Điền.

➤➤ Tham khảo chi tiết: Cách đặt tên địa điểm kinh doanh

Nội dung thông báo lập địa điểm kinh doanh bao gồm:

  • Thông tin công ty: tên, mã số thuế.
  • Thông tin địa điểm kinh doanh: tên, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh, người đứng đầu.
  • Thông tin chi nhánh chủ quản (trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh).
  • Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp/chi nhánh chủ quản.

Đặc điểm của địa điểm kinh doanh: Có giấy phép ĐKKD, không có con dấu pháp nhân, không được ký kết hợp đồng, không được xuất hóa đơn, phải đóng lệ phí môn bài 1.000.000đ/năm và đăng ký phương pháp hạch toán phụ thuộc.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

DỊCH VỤ LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn