Holding Company là gì? Ưu nhược điểm của công ty holding

Holding company là gì? Mô hình hoạt động, đặc điểm của công ty holding như thế nào? Ưu nhược điểm ra sao? Kế toán Quốc Việt sẽ giải đáp trong bài viết này.

Mô hình holding đang là một trong những mô hình công ty hoạt động hiệu quả tại phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng mô hình này như một cách để tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp. Bài viết dưới đây của Quốc Việt sẽ chia sẻ cho bạn những thông tin hữu ích về khái niệm, đặc điểm cũng như các ưu nhược điểm của mô hình công ty holding.

Holding company là gì?

Trong kinh doanh, công ty holding (holding company) được hiểu là công ty mẹ hay tổng công ty, chuyên nắm giữ cổ phần hoặc sở hữu đủ số vốn cần thiết để nắm quyền kiểm soát công ty khác (gọi là công ty con). Các công ty con này có thể thuộc hoàn toàn sở hữu của công ty holding hoặc được công ty holding đầu tư bằng cách góp vốn.

Luật Doanh nghiệp 2020 của Việt Nam không có loại hình doanh nghiệp nào được gọi là công ty holding. Vì bản chất, đây không phải là một loại hình doanh nghiệp mà là một cách thức quản lý vốn của nhà đầu tư trong công ty.

Trên thực tế, công ty holding không sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Mục đích của công ty holding là nắm giữ cổ phần, vốn góp của nhiều công ty con khác để hình thành một tập đoàn kinh tế, giảm rủi ro cho những người giữ cổ phần thông qua việc giám sát và quản lý chính sách phát triển của công ty con, đảm bảo rằng các công ty con tuân thủ quy định và đạt được mục tiêu chung.

Đặc điểm của công ty holding

➥ Loại hình doanh nghiệp thành lập: 

Tại Việt Nam, công ty holding thường được thành lập theo loại hình công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là công ty cổ phần.

➥ Tỷ lệ sở hữu vốn trong công ty con: 

Công ty holding (công ty mẹ) thường sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty con hoặc sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Điều này cho phép công ty holding chi phối quyền điều hành và quyền biểu quyết tại các công ty con.

➥ Phương thức hoạt động:

Công ty holding thường không thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối hoặc cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Hoạt động sản xuất kinh doanh được thực hiện bởi các công ty con và lợi nhuận thu được sẽ được chuyển về công ty mẹ tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn.

➥ Sở hữu tài sản

Ngoài việc sở hữu tài sản của các công ty con, công ty holding cũng có thể sở hữu các tài sản vô hình khác như cổ phần, bằng sáng chế và tài sản trí tuệ.

➥ Kiểm soát và quản lý nhân sự

Công ty holding có quyền sa thải hoặc tuyển dụng quản lý của các công ty con khi họ vi phạm các chính sách quản lý, quy định giám sát hoặc thực hiện các hoạt động trái pháp luật.

➤➤ Tham khảo bài viết: Thủ tục thành lập công ty holding.

3 mô hình công ty holding phổ biến hiện nay

1. Công ty holding về đầu tư

Công ty holding về đầu tư (Investment holding company): Công ty mẹ chỉ tập trung vào việc nắm giữ vốn của các công ty con và tạo lợi nhuận từ việc đầu tư vào các công ty con này. 

2. Công ty holding về kinh doanh

Công ty holding về kinh doanh (Operating holding company): Công ty mẹ không chỉ đầu tư vốn vào các công ty con mà còn trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty con. 

Các nhà quản lý cấp cao của công ty holding vừa có trách nhiệm ra các quyết định điều hành kinh doanh, đồng thời phải tập trung cho các quyết định mang tính chiến lược của cả tập đoàn. Đây là dạng công ty holding phổ biến nhất ở các quốc gia.

3. Công ty holding về quản lý điều hành

Công ty holding về quản lý điều hành (Management holding company): Công ty mẹ sẽ trực tiếp can thiệp, kiểm soát các giao dịch của công ty con, cũng như kiếm thêm lợi nhuận từ lợi nhuận của công ty con. 

Mô hình công ty holding về quản lý điều hành thường được áp dụng cho các công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực quản lý tài sản.

Ưu và nhược điểm của công ty holding

1. Ưu điểm của công ty holding

➥ Dễ dàng huy động vốn đầu tư

Việc tách ra thành nhiều công ty con, mỗi công ty con đảm nhận từng mảng hoạt động kinh doanh khác nhau, giúp công ty mẹ tham gia vào đa lĩnh vực, đa ngành nghề kinh doanh. Điều này cho phép các nhà đầu tư khác nhau có thể đầu tư vào các công ty con theo cách thức riêng của họ. 

➥ Dễ dàng dịch chuyển đầu tư

Chủ sở hữu công ty holding có thể dựa trên kết quả hoạt động của các công ty con để phân tích và đánh giá nhu cầu thiết yếu trên thị trường, từ đó điều chỉnh vốn đầu tư. 

Ví dụ: Chủ sở hữu có thể thu hồi hoặc cắt giảm vốn đầu tư vào những công ty hoạt động kém, bão hòa trên thị trường để chuyển sang đầu tư vào các công ty có tiềm năng phát triển.

➥ Kiểm soát chi phí hợp lý

Mô hình công ty holding giúp giảm thiểu chi phí nộp thuế bằng cách chia nhỏ quy mô công ty và đặt các công ty con ở các khu vực có mức thuế suất thấp hơn. 

Việc lập mô hình công ty holding cũng giúp tối ưu hóa các chi phí khi quản lý và thực hiện các giao dịch cho vay, chuyển dịch vốn và lợi nhuận giữa các công ty thuộc phạm vi sở hữu. 

➥ Tránh rủi ro đổ vỡ theo dây chuyền

Khi một công ty con có nguy cơ phá sản thì sẽ chỉ làm công ty holding giảm giá trị hoặc lỗ vốn mà không ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty con khác. Điều này giúp tránh tình trạng cả chuỗi công ty đều bị sụp đổ. Đây được xem là một cách tự vệ của các công ty có quy mô tầm cỡ.

➥ Chuyển nhượng tài sản đơn giản

Việc chuyển nhượng tài sản cho các thành viên trong mô hình công ty holding dễ dàng hơn đối với cá nhân nắm giữ số cổ phần lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ sở hữu có thể dễ dàng chuyển nhượng toàn bộ vốn (hoặc cổ phần) dưới danh nghĩa của công ty holding một cách nhanh chóng và thuận tiện, thay vì phải tiến hành chuyển nhượng từng phần.

2. Nhược điểm của công ty holding 

➥ Xung đột lợi ích và phân chia lợi nhuận

Một trong những hạn chế lớn nhất của công ty holding là sự xung đột lợi ích giữa các cổ đông trong công ty holding và giữa các công ty con, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ. Việc phân chia lợi nhuận giữa các cổ đông thường có sự khác biệt. Các quyết định thường có xu hướng ưu tiên lợi ích của công ty holding do công ty mẹ sở hữu nhiều cổ phần và có quyền kiểm soát các công ty con.

➥ Phức tạp về quản lý

Mô hình công ty holding thường bao gồm nhiều công ty con hoạt động độc lập. Điều này đồng nghĩa với việc quản lý nhiều công ty với cấu trúc, quy trình và lợi ích khác nhau. Cũng vì thế mà đòi hỏi sự quản lý và giám sát kỹ lưỡng từ phía công ty mẹ để có thể đảm bảo hiệu quả hoạt động của mỗi công ty con. 

➥ Khó khảo sát và đánh giá

Với nhiều công ty con hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, việc khảo sát và đánh giá hiệu quả của từng công ty con sẽ phức tạp hơn. Điều này có thể gây ra khó khăn trong việc đưa ra quyết định chiến lược và phân phối nguồn lực một cách tối ưu.

Trên đây là những chia sẻ của Kế toán Quốc Việt về đặc điểm và mô hình hoạt động của công ty holding. Mặc dù vẫn còn tồn tại một vài nhược điểm, tuy nhiên mô hình này vẫn mang lại nhiều ưu điểm và lợi thế đối với nhà đầu tư. 

Nếu bạn có thắc mắc cần giải đáp hoặc đang cần tư vấn thành lập công ty holding có thể liên hệ ngay cho Quốc Việt theo số 0972.006.222 (Miền Bắc) - 090.758.1234 (Miền Trung) - 0902.553.555 (Miền Nam) để được nhân viên hỗ trợ.

Một số câu hỏi thường gặp về công ty holding

Công ty holding hay công ty mẹ, chuyên nắm giữ cổ phần hoặc sở hữu đủ số vốn cần thiết để nắm quyền kiểm soát công ty khác (gọi là công ty con). 

Công ty holding có một số đặc điểm nổi bật sau:

  • Được hình thành dưới dạng công ty cổ phần hoặc công ty TNHH;
  • Thưởng sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty con hoặc sở hữu trên 50%vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;
  • Không thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối hoặc cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Các hoạt động sản xuất kinh doanh được thực hiện bởi các công ty con và lợi nhuận thu được được chuyển về công ty mẹ;
  • Công ty holding có quyền sa thải hoặc tuyển dụng các quản lý của các công ty con,...

Có 3 loại hình công ty holding phổ biến hiện nay là: Công ty holding về kinh doanh, công ty holding về đầu tư, và công ty holding về quản lý điều hành.

Công ty holding có 5 ưu điểm nổi bật sau:

  • Dễ dàng huy động vốn đầu tư;
  • Dễ dàng dịch chuyển đầu tư;
  • Kiểm soát chi phí hợp lý;
  • Tránh rủi ro đổ vỡ theo dây chuyền;
  • Chuyển nhượng tài sản đơn giản.

Công ty holding có 3 nhược điểm sau:

  • Xung đột lợi ích và phân chia lợi nhuận;
  • Phức tạp về quản lý;
  • Khó khảo sát và đánh giá.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

DỊCH VỤ LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn