Điều kiện, thủ tục thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ

Doanh nghiệp khoa học công nghệ là gì? Điều kiện, thủ tục thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ như thế nào? Có được hưởng ưu đãi thuế gì không? Tất cả sẽ được Quốc Việt hướng dẫn đầy đủ, chi tiết trong bài viết này, có đầy đủ file mẫu hồ sơ cho doanh nghiệp tham khảo.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
  • Luật khoa học và công nghệ 2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
  • Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học công nghệ.
  • Thông tư 03/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn miễn thuế, giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp khoa học công nghệ.
  • Công văn số 1048/BKHCN-PTTTDN hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

Doanh nghiệp khoa học công nghệ là gì?

Doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (Theo Điều 58 Luật Khoa học và công nghệ).

Để thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cá nhân, tổ chức phải thực hiện 2 thủ tục sau:

  • Bước 1: Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp gửi tới Sở KHĐT để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Bước 2: Nộp hồ sơ lên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nơi đặt trụ sở chính để xin cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Điều kiện thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ

1. Đối tượng nào được thành lập doanh nghiệp KHCN

  • Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và thực hiện việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ kết quả khoa học và công nghệ.
  • Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ và thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

2. Cách đặt tên doanh nghiệp KHCN

  • Có thể đặt tên doanh nghiệp khoa học công nghệ theo nhiều cách khác nhau như: đặt tên theo ngành nghề kinh doanh, theo địa danh, theo tên chủ sở hữu công ty… Tuy nhiên, tên của doanh nghiệp nên chứa cụm từ “ khoa học công nghệ” để dễ phân biệt với các loại hình doanh nghiệp khác. Ví dụ: Công ty TNHH khoa học công nghệ Lâm Đồng.
  • Tên doanh nghiệp KHCN cần đáp ứng các quy định tại Điều 37, 38, 39 và Điều 41 Luật Doanh nghiệp. 

➤➤Tham khảo bài viết: Cách đặt tên công ty

3. Địa chỉ trụ sở doanh nghiệp KHCN

Địa chỉ trụ sở công ty khoa học công nghệ cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Không đặt địa chỉ công ty KHCN tại nhà chung cư, căn hộ tập thể hoặc những nơi không có chức năng kinh doanh thương mại.
  • Doanh nghiệp nên chọn nhà riêng (có sổ đỏ) hoặc văn phòng tại các tòa nhà thương mại để đăng ký làm địa chỉ trụ sở chính. Nhưng cần đảm bảo có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp như: hợp đồng thuê văn phòng, hợp đồng thuê nhà, sổ đỏ…

4. Ngành nghề kinh doanh doanh nghiệp KHCN

Các mã ngành nghề dành cho doanh nghiệp khoa học công nghệ được quy định tại hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo quyết định 27/2018/QĐ-TTg. Tùy theo lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp có thể lựa chọn đăng ký các mã ngành nghề sau:

Các mã ngành nghề khoa học công nghệ
Mã ngành Tên ngành
7211 Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên
7212 Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ
7213 Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược
7214 Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp
7221 Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học xã hội
7222 Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học nhân văn
Trường hợp doanh nghiệp đăng ký những ngành nghề có điều kiện thì doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của ngành nghề đó trước khi chính thức hoạt động.

5. Vốn điều lệ doanh nghiệp KHCN

Hiện tại pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hoặc tối đa khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngành nghề có điều kiện yêu cầu vốn pháp định/vốn ký quỹ, thì khi hoạt động ngành nghề này doanh nghiệp phải đảm bảo mức vốn điều lệ phải lớn hơn hoặc bằng vốn pháp định. Do đó, tùy thuộc vào nhu cầu và quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thể đăng ký mức vốn điều lệ phù hợp với khả năng tài chính của mình.

Thủ tục, hồ sơ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ

1. Thành lập doanh nghiệp tại Sở KHĐT

Các bước thành lập doanh nghiệp KHCN tại Sở KHĐT cụ thể như sau:

Bước 1. Lựa chọn loại hình doanh nghiệp

Tùy thuộc vào nhu cầu, doanh nghiệp có thể lựa chọn thành lập theo mô hình công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp có thể tham khảo những thuận lợi và khó khăn của từng doanh nghiệp tại bài viết: Ưu nhược điểm các loại hình doanh nghiệp.

Bước 2. Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp KHCN

Thành phần hồ sơ thành lập công ty, doanh nghiệp khoa học công nghệ gồm có:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp khoa học công nghệ.
  • Điều lệ công ty khoa học công nghệ
  • Danh sách thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên/danh sách cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
  • Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật.
  • Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu của chủ sở hữu công ty, các thành viên, cổ đông góp vốn là cá nhân.
  • Bản sao Quyết định thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của chủ sở hữu/thành viên/cổ đông góp vốn là tổ chức; Văn bản ủy quyền cho người quản lý phần vốn góp của tổ chức; Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền.
  • Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu người đại diện pháp luật không trực tiếp thực hiện).
  • Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của người được ủy quyền nộp hồ sơ.

 Hồ sơ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ

Bước 3. Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp tại Sở KHĐT

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, doanh nghiệp nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KHĐT tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp online trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số công cộng.

Bước 4. Nhận kết quả tại Sở KHĐT

Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và trả kết quả:

  • Hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Hồ sơ không hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo bằng văn bản, hướng dẫn doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ và nộp lại từ đầu.

Bước 5. Hoàn thiện các thủ tục sau thành lập doanh nghiệp

Sau khi hoàn thành thủ tục thành lập công ty về khoa học công nghệ, chủ doanh nghiệp phải hoàn thành ngay những việc sau:

  • Khắc con dấu pháp nhân.
  • Làm bảng hiệu công ty và treo tại trụ sở chính.
  • Mua chữ ký số và đăng ký nộp thuế điện tử.
  • Nộp hồ sơ khai thuế ban đầu.
  • Mua và làm thủ tục thông báo phát hành hóa đơn điện tử.
  • Góp đủ số vốn điều lệ trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Xin Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ.

2. Xin chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ

Điều kiện chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ

Căn cứ Điều 6 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Mục 2 Công văn 1048/BKHCN-PTTTDN, điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ cụ thể như sau:

  • Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
  • Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận.
  • Đối với doanh nghiệp đã thành lập từ đủ 5 năm trở lên phải có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của 01 (một) trong 03 (ba) năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Sau khi hoàn tất các thủ tục thành lập doanh nghiệp và đáp ứng được các điều kiện trên, doanh nghiệp có thể làm hồ sơ chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 13/2019/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Mục 4 Công văn 1048/BKHCN-PTTTDN, hồ sơ xin chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ bao gồm các giấy tờ sau:

STT Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
1 Đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
2 Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ.
3

Văn bản xác nhận, công nhận kết quả khoa học và công nghệ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực), thuộc một trong các văn bản sau:

  • Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
  • Quyết định công nhận giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật.
  • Bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng.
  • Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Giấy xác nhận hoặc giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước.
  • Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.
  • Các văn bản xác nhận, công nhận khác có giá trị pháp lý tương đương.

 Hồ sơ xin chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Đối với kết quả KH&CN là tài sản được hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước theo quy định của Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, doanh nghiệp cần có Quyết định giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của cơ quan có thẩm quyền để tránh trường hợp sau khi được cấp bị hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN quy định tại Điều 10 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

Quy trình thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Nơi nộp hồ sơ: Sở Khoa học và Công nghệ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Quy trình và thời gian thẩm định hồ sơ như sau:

  • Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KHCN) xem xét tính hợp lệ của hồ sơ.
  • Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở KHCN có trách nhiệm xem xét việc cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Trường hợp kết quả khoa học và công nghệ có liên quan đến nhiều ngành nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau có nội dung phức tạp cần mời chuyên gia hoặc thành lập hội đồng tư vấn thẩm định, đánh giá, thời hạn cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
  • Trường hợp Sở KHCN chưa đủ điều kiện kỹ thuật đánh giá kết quả khoa học và công nghệ và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ xem xét cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 5 ngày làm việc, Sở KHCN có trách nhiệm gửi công văn kèm theo toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ của doanh nghiệp về Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ để cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
  • Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ có trách nhiệm công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan về tên, địa chỉ và danh mục sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đó.

Ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp khoa học công nghệ

Theo quy định tại Điều 57 Luật Khoa học công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng các ưu đãi về thuế sau:

  • Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong nước được hỗ trợ lãi suất vay vốn tại ngân hàng.
  • Được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
  • Được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
  • Được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Trên đây, Quốc Việt đã hướng dẫn cho doanh nghiệp những thông tin hữu ích về thủ tục, điều kiện thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ. Nếu cần hỗ trợ về dịch vụ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp có thể liên hệ Quốc Việt theo số 0972.006.222 (Miền Bắc) - 090.758.1234 (Miền Trung)0902.553.555 (Miền Nam) để được tư vấn hỗ trợ. 

Một số câu hỏi khi thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ

Doanh nghiệp khoa học công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Cá nhân, tổ chức muốn thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại Luật Doanh nghiệp như sau:

  • Có tên công ty, địa chỉ trụ sở, ngành nghề, vốn điều lệ đăng ký phù hợp theo quy định Luật Doanh nghiệp. 
  • Có hồ sơ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ hợp lệ gửi Sở KHĐT tỉnh nơi đặt trụ sở chính.

➤➤ Tham khảo chi tiết: Điều kiện thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ

Các đối tượng sau được thành lập doanh nghiệp gồm có:

  • Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và thực hiện việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ kết quả khoa học và công nghệ.
  • Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ và thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hoặc tối đa khi thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ. Nếu có đăng ký ngành nghề có điều kiện yêu cầu vốn pháp định/vốn ký quỹ, thì khi hoạt động ngành nghề này doanh nghiệp phải đảm bảo mức vốn điều lệ phải lớn hơn hoặc bằng vốn pháp định. Do đó, tùy thuộc vào nhu cầu và quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thể đăng ký mức vốn điều lệ phù hợp với khả năng tài chính của mình.

Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ cụ thể như sau:

  • Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
  • Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận.
  • Đối với doanh nghiệp đã thành lập từ đủ 5 năm trở lên phải có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của 01 (một) trong 03 (ba) năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

DỊCH VỤ LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn