Điều kiện, thủ tục thành lập công ty dịch vụ kế toán thuế trọn gói như thế nào? Có phải xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hay không? Tất cả những vướng mắc của bạn sẽ được Quốc Việt giải đáp chi tiết, đầy đủ trong bài viết này.
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14.
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.
- Luật Kế toán số 88/2015/QH13.
- Thông tư số 271/2016/TT-BTC.
- Nghị định 174/2016/NĐ-CP.
Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ lựa chọn thuê dịch vụ kế toán. Bởi việc sử dụng dịch vụ kế toán thuế chuyên nghiệp không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được tối đa chi phí vận hành, mà còn đảm bảo tờ khai, báo cáo và hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp luôn được chính xác, rõ ràng, minh bạch. Trong bài viết này, Quốc Việt sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích về điều kiện và thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán
Kinh doanh dịch vụ kế toán là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán theo quy định của Luật này cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Căn cứ theo quy định của Luật Kế toán số 88/2015/QH13, doanh nghiệp chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau đây:
1. Có loại hình doanh nghiệp phù hợp
Căn cứ theo Điều 59 Luật Kế toán, công ty dịch vụ kế toán chỉ được thành lập theo mô hình:
- Công ty TNHH 2 thành viên trở lên.
- Công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân.
2. Có chứng chỉ kế toán viên/kiểm toán viên
Công ty dịch vụ kế toán phải có ít nhất 2 người là có chứng chỉ kế toán viên/kiểm toán viên.
Căn cứ Điều 57, Luật kế toán, người được cấp chứng chỉ kế toán phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật.
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính.
- Đạt kết quả kỳ thi lấy chứng chỉ kế toán viên.
3. Có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán
Ít nhất 2 người có chứng chỉ kế toán viên/kiểm toán viên phải đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự.
- Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học.
- Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức theo quy định.
4. Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán
Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh dịch vụ kế toán khi bảo đảm các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Kế toán số 88/2015/QH13 và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Điều kiện thành lập (mở) công ty dịch vụ kế toán
Tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác, ngoài việc phải thỏa mãn điều kiện về loại hình doanh nghiệp được quy định phía trên, để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty dịch vụ kế toán cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Người đại diện theo pháp luật của công ty kinh doanh dịch vụ kế toán cần đáp ứng các điều kiện:
- Là cá nhân, từ đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
- Không thuộc đối tượng bị cấm quản lý và thành lập doanh nghiệp được quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài.
- Nếu người đại diện theo pháp luật đảm nhiệm chức vụ giám đốc/tổng giám đốc trong công ty TNHH/công ty hợp danh thì người đại diện theo pháp luật phải có Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
2. Về tên công ty dịch vụ kế toán
Căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, tên công ty dịch vụ kế toán cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Phải bao gồm 2 thành tố là: Loại hình doanh nghiệp + tên riêng.
- Tên riêng của doanh nghiệp có thể chứa cụm từ “dịch vụ kế toán”.
- Tên công ty dịch vụ kế toán dự định thành lập không được trùng hoặc nhầm lẫn với các doanh nghiệp đã đăng ký trước đó trên phạm vi toàn quốc.
- Không sử dụng tên của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, các từ ngữ vi phạm thuần phong mỹ tục để đặt tên cho công ty dịch vụ kế toán.
Lưu ý: Theo Khoản 5, Điều 59 Luật Kế toán, nếu trong vòng 6 tháng kể từ ngày đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán mà doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán thì doanh nghiệp phải báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục xóa cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi của doanh nghiệp.
3. Về địa chỉ trụ sở chính
Theo Điều 42 Luật Doanh nghiệp và Điều 6 Luật Nhà ở, địa chỉ trụ sở công ty kinh doanh dịch vụ kế toán cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Địa chỉ trụ sở công ty dịch vụ kế toán phải nằm trên lãnh thổ Việt Nam, được xác định rõ tên đường, số nhà, ngõ ngách, hẻm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Công ty dịch vụ kế toán nên đặt trụ sở chính tại tòa nhà văn phòng, nhà riêng và phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền dụng hợp pháp của doanh nghiệp như hợp đồng thuê, sổ đỏ…
- Không đặt trụ sở chính tại địa chỉ nhà chung cư, căn hộ tập thể hoặc những nơi chỉ có chức năng để ở, không có chức năng kinh doanh thương mại.
4. Điều kiện về ngành nghề kinh doanh
- Theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, mã ngành nghề dịch vụ kế toán là 6920 - Hoạt động liên quan đến kế toán, kiểm toán và tư vấn về thuế.
- Trước khi chính thức đi vào hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định.
Mã ngành dịch vụ kế toán |
6920 |
Hoạt động liên quan đến kế toán, kiểm toán và tư vấn về thuế.
Chi tiết:
- Dịch vụ tư vấn kế toán, dịch vụ về kế toán.
- Dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ về thuế.
|
5. Điều kiện về vốn điều lệ và tỷ lệ góp vốn
Pháp luật không yêu cầu mức vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa khi làm thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ kế toán. Do đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn mức vốn điều lệ phù hợp với khả năng tài chính của mình để đảm bảo có thể góp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp đăng ký kinh doanh.
Riêng đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, để thuận lợi cho việc được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán sau này, thì ngay từ ban đầu doanh nghiệp cần đảm bảo tỷ lệ góp vốn theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 Nghị định 174/2016/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
- Tỷ lệ góp vốn của các thành viên là tổ chức chỉ được chiếm tổng tối đa 35% vốn điều lệ công ty dịch vụ kế toán.
- Tỷ lệ vốn góp của các thành viên là kế toán viên hành nghề tại công ty dịch vụ kế toán phải chiếm trên 50% vốn điều lệ công ty.
Hồ sơ, thủ tục thành lập công ty dịch vụ kế toán
1. Hồ sơ thành lập công ty dịch vụ kế toán
Căn cứ Điều 21, 22, 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ thành lập công ty dịch vụ kế toán gồm có:
- Giấy chứng nhận đăng ký thành lập công ty dịch vụ kế toán.
- Điều lệ công ty dịch vụ kế toán.
- Danh sách thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên/công ty hợp danh.
- Bản sao hợp lệ CCCD/CMND/hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật.
- Bản sao hợp lệ CCCD/CMND/hộ chiếu của chủ doanh nghiệp tư nhân/các thành viên góp vốn là cá nhân.
- Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các thành viên góp vốn là tổ chức; Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền của tổ chức, bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền.
- Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu người đại diện pháp luật không trực tiếp thực hiện).
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của người được ủy quyền nộp hồ sơ.
Hồ sơ thành lập công ty dịch vụ kế toán
2. Thủ tục thành lập công ty dịch vụ kế toán
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KHĐT tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp hồ sơ online trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (lưu ý: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM không chấp nhận hồ sơ giấy).
Thời gian hoàn thành thủ tục: Trong vòng 3 - 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty dịch vụ kế toán.
3. Các thủ tục cần thực hiện sau thành lập công ty dịch vụ kế toán
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty dịch vụ kế toán cần thực hiện ngay các thủ tục sau:
- Một là, khắc con dấu pháp nhân, con dấu chức danh.
- Hai là, làm bảng hiệu công ty và treo tại trụ sở chính.
- Ba là, mua chữ ký số và đăng ký tài khoản thuế điện tử.
- Bốn là, mở tài khoản ngân hàng, thông báo STK ngân hàng công ty với cơ quan thuế.
- Năm là, nộp hồ sơ khai thuế ban đầu.
- Sáu là, mua hóa đơn điện tử và làm thủ tục thông báo phát hành hóa đơn.
- Bảy là, nộp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký vào tài khoản công ty trong vòng 90 ngày kể từ ngày có đăng ký kinh doanh.
- Tám là, làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán cho kế toán viên.
- Chín là, làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán
Theo quy định tại Điều 60 Luật kế toán, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi đáp ứng các điều kiện sau:
1. Đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật.
- Có ít nhất 2 thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề.
- Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty TNHH phải là kế toán viên hành nghề.
- Bảo đảm tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề trong doanh nghiệp, tỷ lệ vốn góp của các thành viên là tổ chức theo quy định của Chính phủ. Cụ thể:
>> Tỷ lệ góp vốn của các thành viên là tổ chức chỉ được chiếm tổng tối đa 35% vốn điều lệ công ty dịch vụ kế toán.
>> Tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề tại công ty dịch vụ kế toán phải chiếm trên 50% vốn điều lệ công ty.
2. Đối với Công ty hợp danh:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật.
- Có ít nhất 2 thành viên hợp danh là kế toán viên hành nghề.
- Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty hợp danh phải là kế toán viên hành nghề.
3. Đối với doanh nghiệp tư nhân:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật.
- Có ít nhất 2 kế toán viên hành nghề.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là kế toán viên hành nghề và đồng thời là giám đốc.
Lưu ý: Kế toán viên hành nghề không được đồng thời đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán tại 2 đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán trở lên trong cùng một thời gian.
Trên đây, Quốc Việt đã cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin chi tiết về hồ sơ, thủ tục thành lập công ty dịch vụ kế toán. Nếu cần tư vấn chi tiết thêm thông tin hoặc quan tâm đến dịch vụ thành lập công ty dịch vụ kế toán của Quốc Việt, hãy gọi ngay theo số 0972.006.222 (Miền Bắc) - 090.758.1234 (Miền Trung) - 0902.553.555 (Miền Nam) để được hỗ trợ.
Một số câu hỏi thường gặp khi thành lập công ty dịch vụ kế toán thuế
Kinh doanh dịch vụ kế toán là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán theo quy định của Luật này cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Không. Theo quy định của Luật kế toán 2015, chỉ có công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân được kinh doanh dịch vụ kế toán.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán cần đáp ứng 3 điều kiện sau:
- Phải thành lập theo mô hình công ty TNHH 2 TV trở lên, công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân.
- Phải có ít nhất 2 người là có chứng chỉ kế toán viên/kiểm toán viên và 2 người này phải đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán.
- Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Mã ngành dịch vụ kế toán là 6920 - Hoạt động liên quan đến kế toán, kiểm toán và tư vấn về thuế.
Thành phần hồ sơ gồm có: Giấy chứng nhận đăng ký thành lập công ty dịch vụ kế toán; Điều lệ công ty; Danh sách thành viên công ty TNHH; Bản sao hợp lệ CCCD/CMND/hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật và các thành viên góp vốn là cá nhân; Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các thành viên góp vốn là tổ chức; Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền của tổ chức, bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền.